Viêm đại tràng và những điều cần biết

Viêm đại tràng là bệnh lý phổ biến, chiếm khoảng 20% dân số nước ta. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Chính vì thế, hiểu biết về bệnh này là điều cần thiết để phòng tránh và khám chữa bệnh kịp thời. Hãy cùng An vị tràng TW3 tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Viêm đại tràng là gì

Là tình trạng niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Viêm đại tràng có thể chia thành 5 loại:

Bệnh viêm ruột:

Viêm ruột gồm viêm loét đại trực tràng và bệnh Crohn. Viêm loét đại trực tràng là tình trạng viêm lan tỏa ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc. Bệnh gây tổn thương ở vùng đại – trực tràng. Bệnh Crohn là bệnh viêm ruột mạn tính từng vùng, hiện nay chưa rõ nguyên nhân. Bệnh đặc trưng bởi biểu hiện loét thành trong của ruột non và đại tràng.

Viêm đại tràng giả mạc:

Khi dùng một số loại kháng sinh làm vi khuẩn Clostridium difficile phát triển quá mức sẽ gây viêm đại tràng giả mạc.

Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ:

Đây là tình trạng đại tràng bị viêm do không đủ oxy cho tế bào. Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu oxy là vì mạch máu đến đại tràng bị hẹp hoặc tắc.

Viêm đại tràng vi thể:

Viêm đại tràng vi thể do sưng tấy và nhiễm trùng ở ruột già. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng đau quặn bụng và tiêu chảy nước kéo dài. Bệnh được chia làm 2 loại là viêm đại tràng lympho và viêm đại tràng collagen. Khi soi dưới kính hiển vi nếu thấy bạch cầu lympho nhiều bất thường trong mô đại tràng thì là viêm đại tràng lympho. Còn thấy lớp collagen dày là viêm đại tràng collagen.

Viêm đại tràng vi thể:

Thường gặp ở trẻ 2 tháng đầu sau sinh. Trẻ thường quấy khóc, nôn, trào ngược và phân có thể lẫn máu. Nguyên nhân là do trẻ dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần trong sữa mẹ. Ngoài ra, ký sinh trùng, vi rút hoặc ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn cũng là những nguyên nhân gây bệnh.

Ngoài ra, dựa vào tình trạng bệnh, viêm đại tràng còn được chia thành 2 loại: cấp tính và viêm đại tràng mãn tính.

Viêm đại tràng là tình trạng niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm
Viêm đại tràng là tình trạng niêm mạc đại tràng bị viêm nhiễm

Các nguyên nhân thường gặp gây viêm đại tràng

Có nhiều nguyên nhân gây viêm đại tràng, thường gặp là do nhiễm khuẩn đường ruột, chế độ ăn,… Tuy nhiên cũng có những trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Nhiễm khuẩn đường ruột

Thức ăn không hợp vệ sinh, chưa nấu chín hoặc dùng nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây nhiễm khuẩn đường ruột. Khi đó, độc tố của các tác nhân gây bệnh sẽ khiến niêm mạc đại tràng bị viêm. Một số tác nhân điển hình như vi khuẩn E.coli, Salmonella, Shigella, virus Rota, lỵ amip, sán, nấm Candida…

Ăn uống, sinh hoạt không khoa học

Chế độ ăn uống, sinh hoạt ảnh hưởng không nhỏ đến đường tiêu hóa và có thể gây viêm nếu thiếu khoa học.

  • Ăn uống không khoa học: Bỏ bữa thường xuyên hoặc ăn quá nhiều trong một bữa… Ngoài ra, ăn nhiều các loại thực phẩm cay nóng, uống nhiều rượu bia cũng gây tổn thương niêm mạc dạ dày, đại tràng
  • Căng thẳng kéo dài: Khi bị căng thẳng, stress kéo dài gây nên tình trạng rối loạn nhu động ruột và có các cơn co thắt đại tràng.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số thuốc có khả năng gây viêm ruột như giảm đau, chống viêm Ibuprofen, Naproxen, Aspirin. Hoặc lạm dụng kháng sinh kéo dài làm giảm lợi khuẩn, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển mạnh gây tổn thương đại tràng.

Các nguyên nhân khác

  • Mắc các bệnh đường ruột: Thiếu máu cục bộ đại tràng, viêm ruột, crohn… là những bệnh lý đường ruột có thể gây viêm đại tràng.
  • Nhiễm độc: Khi bị nhiễm độc thủy ngân, vàng, thạch tín,… hóa chất có thể thấm vào đại tràng gây viêm.
Nhiễm khuẩn đường ruột gây viêm đại tràng
Nhiễm khuẩn đường ruột gây viêm đại tràng

Ai là người có nguy cơ cao mắc viêm đại tràng?

Tùy vào từng tình trạng sẽ có các yếu tố nguy cơ khác nhau.

  • Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng: Bệnh thường gặp ở người từ 15 – 30 tuổi hoặc 60 – 80 tuổi. Nguy cơ cao hơn ở người gốc Do Thái hoặc da trắng, người hút thuốc, dùng thuốc tránh thai hoặc giảm đau NSAID.
  • Viêm đại tràng giả mạc: Những người lạm dụng kháng sinh kéo dài, suy giảm miễn dịch (người cao tuổi, người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch) có nguy cơ cao hơn.
  • Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ: Bệnh thường gặp ở những người trên 50 tuổi đang mắc các bệnh lý như: Viêm mạch, đái tháo đường, suy tim, phẫu thuật vùng bụng hoặc động mạch chủ,…

Ngoài ra từ nguyên nhân gây bệnh có thể kể đến một số người có nguy cơ cao như: Người ăn uống, sinh hoạt không khoa học, người thường xuyên phải chịu áp lực, căng thẳng kéo dài,…

Lạm dụng kháng sinh kéo dài có nguy cơ cao mắc viêm đại tràng giả mạc
Lạm dụng kháng sinh kéo dài có nguy cơ cao mắc viêm đại tràng giả mạc

Những triệu chứng viêm đại tràng điển hình

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh là cấp tính hay mạn tính mà có triệu chứng khác nhau. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân gây bệnh sẽ có những biểu hiện riêng.

Triệu chứng của viêm đại tràng cấp tính

Thường khởi phát đột ngột, dễ nhận biết với các triệu chứng:

  • Đau bụng: Đây là một trong những triệu chứng điển hình. Người bệnh đau quặn thắt ở vùng bụng dưới hoặc dọc khung đại tràng, có thể kèm theo cảm giác đầy hơi, chướng bụng,…
  • Tiêu chảy: Người viêm đại tràng cấp tính thường gặp phải tình trạng tiêu chảy. Phân có thể lẫn máu hoặc toàn nước, đi nhiều lần trong ngày. Triệu chứng càng rõ rệt nếu ăn phải đồ lạ, thức ăn không hợp vệ sinh,…
  • Triệu chứng khác: Ngoài 2 triệu chứng đặc trưng trên, người bệnh còn chán ăn, mệt mỏi, có thể sốt nhẹ. Nếu viêm đại tràng do Shigella, người bệnh sẽ gặp phải tình trạng sốt cao, mất nước, điện giải.

Tình trạng cấp tính rất dễ tái phát nếu không được điều trị có thể gây viêm đại tràng mãn tính.

Triệu chứng của viêm đại tràng mãn tính

Triệu chứng trong giai đoạn mãn tính thường khởi phát chậm và dai dẳng:

  • Đau bụng kéo dài: Cơn đau có thể âm ỉ hoặc quặn từng cơn, dọc khung đại tràng và hai hố chậu. Cơn đau giảm sau khi đi đại tiện.
  • Rối loạn đại tiện: Người bệnh thường gặp tình trạng tiêu chảy nhưng cũng có thể gặp táo bón hoặc xen kẽ cả hai. Phân thường lỏng, có thể lẫn máu và nhầy.
  • Mệt mỏi, gầy sút: Viêm đại tràng mãn tính ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Người bệnh mệt mỏi, chán ăn, gầy sút,…
Đau bụng là triệu chứng điển hình
Đau bụng là triệu chứng điển hình của viêm đại tràng

Điều trị viêm đại tràng như thế nào

Điều trị viêm đại tràng tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ và tình trạng của người bệnh. Việc điều trị dựa trên nguyên tắc:

  • Điều trị càng sớm càng tốt
  • Xác định nguyên nhân để có phác đồ điều trị phù hợp
  • Kết hợp với điều trị triệu chứng
  • Duy trì chế độ ăn và chế độ tập luyện phù hợp

Điều trị theo Tây y

Hiện nay, Tây y đang có 2 hướng điều trị viêm đại tràng. Chủ yếu là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.

  • Điều trị nội khoa: Người bệnh có thể được dùng các nhóm thuốc kháng sinh, kháng nấm, thuốc chống ký sinh trùng,… Các nhóm thuốc điều trị triệu chứng như: Thuốc giảm đau, chống co thắt, thuốc điều trị tiêu chảy, táo bón cũng được sử dụng. Một số trường hợp cần bù nước và điện giải để không trụy tim mạch.
  • Điều trị ngoại khoa: Nếu dùng thuốc không hiệu quả hoặc tiến triển nặng, người bệnh sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ đại tràng.

Điều trị theo Đông y

Điều trị theo Đông y dựa vào từng thể bệnh để dùng các bài thuốc phù hợp. Trong đó, viêm đại tràng thường gặp 2 thể:

  • Thể tỳ hư khí trệ: Thể này thường đầy bụng, nóng ruột, sôi bụng, khí thượng nghịch, đi ngoài nhiều, đau về đêm và gần sáng. Tinh thần lo lắng, đau hạ vị từng cơn, trung tiện được cảm giác dễ chịu hơn, rêu lưỡi trắng dày.
  • Thể táo kết co thắt: Người bệnh gặp thể táo kết co thắt sẽ có các triệu chứng: Đầy hơi, khó tiêu, ăn ngủ kém, mệt mỏi, lo lắng. Kèm theo đau hạ vị theo khung đại tràng co thắt, đi ngoài táo, có thể có chất nhầy.

Các bài thuốc điều trị:

  • Bài thuốc 1: Đẳng sâm 16g, Đại táo 3 quả, Hoàng kỳ 12g, Bạch truật 16g, Phục thần 12g, Táo nhân 12g, Quế tiêm 6g. Thêm Mộc hương 8g, Trích thảo 6g, Đương quy 10g, Viễn chí 6g, Gừng nướng 4 lát. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, dùng với thể tỳ hư khí trệ.
  • Bài thuốc 2: Đẳng sâm 16g, Đại táo 3 quả, Hoàng kỳ 12g, Bạch truật 16g, Xuyên quy 12g, Táo nhân 12g. Thêm Trần bì 6g, Hoàng tinh 12g, Sinh địa 16g, Cam thảo 6g, Viễn chí 6g, Mạch môn 16g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, dùng được với cả 2 thể tỳ vị hư khí trệ và thể táo kết co thắt.
  • Bài thuốc 3: Đẳng sâm 16g, Lá mơ lông 16g, Hoàng kỳ 12g, Chỉ xác 8g, Sinh địa 16g, Rau má 16g, Đại hoàng 4g. Thêm Ngải tượng 12g, Trần bì 6g, Toan táo nhân 12g, Viễn chí 6g, Táo 3 quả. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, dùng với thể táo kết co thắt.

Lưu ý, với những người thể táo kết co thắt, mỗi đợt điều trị liên tiếp trong 10 ngày.

Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng của người bệnh
Điều trị viêm đại tràng tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng của người bệnh

Viêm đại tràng có nguy hiểm không?

Bệnh này làm giảm chất lượng sống của người bệnh. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng như:

  • Xuất huyết đại tràng: Xuất huyết xảy ra khi viêm nhiễm nặng niêm mạc đại tràng, lớp lông nhung trong đại tràng giảm. Bên cạnh đó, rượu bia, ăn uống không đảm bảo hoặc không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến xuất huyết ồ ạt.
  • Thủng đại tràng: Thủng đại tràng là do vết loét ngày càng ăn sâu và bào mòn thành đại tràng. Nếu không cấp cứu kịp thời biến chứng này có thể nguy hiểm đến tính mạng.
  • Giãn đại tràng cấp tính: Viêm đại tràng kéo dài có thể gây giãn đại tràng và giảm chức năng tiêu hóa. Hơn nữa, tình trạng này làm tăng nguy cơ loét, thủng đại tràng lên gấp nhiều lần. Người bệnh thường có dấu hiệu đau bụng dữ dội, chướng bụng, có thể hôn mê. Tỷ lệ tử vong rất cao.
  • Ung thư đại tràng: Ung thư đại tràng là biến chứng nặng nề và nguy hiểm nhất. Viêm loét đại tràng kéo dài, thường xuyên tái phát khiến các tế bào biểu mô niêm mạc dễ bị loạn sản. Sau đó, các tế bào này sẽ chuyển thành u ác tính, gây ung thư đại tràng.
Ung thư đại tràng là biến chứng nguy hiểm nhất
Ung thư đại tràng là biến chứng nguy hiểm nhất

Cách phòng ngừa hiệu quả

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, các biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả phải kể đến như:

  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Vệ sinh an toàn thực phẩm cần được đảm bảo từ sản xuất, bảo quản đến chế biến để tránh nhiễm khuẩn đường ruột. Môi trường sống phải sạch sẽ. Các thức ăn tươi sống như tiết canh, gỏi cá,… không nên ăn.
  • Tránh căng thẳng kéo dài: Stress, căng thẳng kéo dài là một trong những nguyên nhân gây viêm đại tràng. Chính vì thế, tinh thần nên luôn vui vẻ, lạc quan và thoải mái.
  • Chế độ sinh hoạt hợp lý: Tập luyện thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày và 4 – 5 lần mỗi tuần, hạn chế làm việc quá sức và nên ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya.
  • Chế độ ăn hợp lý: Chế độ ăn nên nhiều rau xanh, củ quả, nhất là loại giàu kali như chuối, khoai lang… để hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Không nên uống rượu bia, cà phê, hút thuốc, ăn các thực phẩm chua cay và nhiều dầu mỡ gây khó tiêu. Nên ăn nhẹ, nhai kĩ, không ăn quá no vào buổi tối.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng tránh viêm đại tràng 
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng tránh viêm đại tràng 

Viêm đại tràng xảy ra rất phổ biến. Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh mà còn gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

Liên hệ với chúng tôi

Qua bài viết này, mong rằng bạn sẽ có thêm những thông tin đầy đủ và hữu ích cho người đọc. Nếu cần hỗ trợ thêm vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline 1800 1286 để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất.

Gọi điện

Gọi điện

Chat Facebook

Messenger

Điểm bán

Điểm bán

18001286
Chat Facebook
Điểm bán
Đặt hàng ngay