Đau bụng tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, cách xử trí và phòng ngừa

Đau bụng tiêu chảy là tình trạng đau bụng kèm đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, nát, nhiều nước. Tình trạng này rất phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Do đó, mỗi người cần nắm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử trí và phòng ngừa hiệu quả. 

Top 6 nguyên nhân phổ biến gây đau bụng tiêu chảy

Đau bụng tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp.

Ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng tiêu chảy. Trường hợp này thường xảy ra khi ăn phải thức ăn ôi thiu, không hợp vệ sinh,… Hoặc thức ăn đã bị nhiễm khuẩn hay chứa nhiều chất phụ gia.

Đau bụng tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm thường kèm theo các biểu hiện khác như: Buồn nôn, nôn, đau quặn bụng từng cơn kèm tiêu chảy, phân lỏng, nát, có thể có nhầy hoặc máu… Ngoài ra, cơ thể mệt mỏi do mất nước và điện giải, có thể sốt nhẹ.

Ngộ độc thực phẩm là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng tiêu chảy
Ngộ độc thực phẩm là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng tiêu chảy

Phản ứng với thực phẩm

Trường hợp này có thể xảy ra khi ăn phải thức ăn lạ, thực phẩm nhiều dầu mỡ. Hoặc ăn nhiều thức ăn tính hàn, nhất là khi cơ thể yếu như cảm cúm hoặc vừa ốm dậy. Một số trường hợp khác có thể do thay đổi đột ngột thói quen ăn uống. Nhìn chung, phản ứng với thực phẩm không gây đau bụng tiêu chảy kéo dài, thường khỏi sau vài tiếng.

Mắc một số bệnh lý

Các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa thường gây ra các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy. Một số bệnh thường gặp như: Viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng Crohn,… Với tùy từng bệnh lý, người bệnh sẽ gặp thêm một vài triệu chứng khác nhau. Nhưng sẽ có các biểu hiện chung như:

  • Đau bụng: Có thể là đau âm ỉ hoặc đau dữ dội.
  • Tiêu chảy: Đi ngoài nhiều lần, phân nát, có thể có lẫn nhầy hoặc máu.
  • Cơ thể mệt mỏi, sút cân, xanh xao.

Một số trường hợp mắc bệnh Celiac – bệnh không dung nạp gluten. Do đó, nếu ăn thực phẩm chứa nhiều gluten có thể dẫn đến tình trạng đau bụng, tiêu chảy. Các thực phẩm đó phải kể đến như là lúa mì, yến mạch, ngũ cốc,…

Sử dụng một số thuốc

Một số thuốc khi sử dụng có thể gây đau bụng đi ngoài nhiều lần như: Thuốc kháng axit, thuốc hóa trị liệu (đặc biệt là những thuốc chứa Magie), Metformin,… Lạm dụng thuốc nhuận tràng cũng gây tiêu chảy. Trường hợp phổ biến hơn cả dẫn đến đi ngoài nhiều lần là lạm dụng kháng sinh. Vì kháng sinh có thể tiêu diệt cả những lợi khuẩn đường ruột làm mất cân bằng hệ vi sinh.

Lạm dụng kháng sinh sẽ tiêu diệt cả lợi khuẩn đường ruột
Lạm dụng kháng sinh sẽ tiêu diệt cả lợi khuẩn đường ruột

Trong ngày hành kinh

  • Đau bụng trong ngày hành kinh liên quan đến lượng hormone Prostaglandin. Hormone này kích hoạt các cơn co thắt tử cung để tống máu kinh ra ngoài. Nồng độ Prostaglandin cao trong khoảng từ 1 ngày trước chu kỳ đến ngày thứ 2 của chu kỳ, sau đó giảm dần. Vì thế, cơn đau bụng kinh thường nhiều nhất vào những ngày đầu. 
  • Tiêu chảy trong ngày hành kinh cũng liên quan đến hormone Prostaglandin. Vì hormone này tác động đến hệ tiêu hóa, gây các cơn co thắt trong ruột dẫn đến tiêu chảy. Triệu chứng tiêu chảy cũng chỉ thường xuất hiện trong những ngày đầu của chu kỳ. Bởi vì lúc này lượng hormone Prostaglandin cao. 
  • Ngoài ra, vào những ngày hành kinh, cơ thể của chị em bị lạnh và đau bụng. Nếu ăn uống không hợp lý, ăn nhiều đồ lạnh thì cũng rất dễ bị tiêu chảy.

Các nguyên nhân khác

  • Ăn quá nhiều: Ăn quá nhiều gây quá tải cho hệ tiêu hóa. Điều này dẫn đến tình trạng khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy. Trường hợp này thường sẽ tự khỏi trong thời gian ngắn. 
  • Lo lắng, căng thẳng: Khi não căng thẳng, lo lắng sẽ dẫn đến nhu động ruột bị rối loạn, gây ra những cơn đau co thắt. Thậm chí, lợi khuẩn ở đường ruột cũng có thể bị tiêu diệt. Do đó, gây đau bụng, tiêu chảy. Tình trạng này biểu hiện rõ với những người bị hội chứng ruột kích thích. Vì thế, bạn hãy cố gắng giữ một tinh thần thoải mái bằng cách ngủ nghỉ đủ giấc, tập thể dục,… Và hãy chú ý tập hít thở sâu để có thể áp dụng ngay khi bị căng thẳng.
  • Uống rượu bia: Rượu bia ảnh hưởng xấu đến đường tiêu hóa, làm tăng tốc độ co bóp. Do đó, việc hấp thụ nước của đại tràng không được diễn ra như bình thường. Từ đó dẫn đến tình trạng tiêu chảy.
Ăn quá nhiều gây quá tải cho hệ tiêu hóa
Ăn quá nhiều gây quá tải cho hệ tiêu hóa

Các triệu chứng kèm theo khi bị đau bụng tiêu chảy

Đau bụng tiêu chảy là tình trạng đau bụng kèm đi ngoài từ 3 lần trở lên trong 24 giờ. Phân lỏng, nát, nhiều nước, có thể lẫn nhầy hoặc máu. Bên cạnh các triệu chứng điển hình này, đau bụng tiêu chảy thường kèm theo các biểu hiện khác như:

  • Đầy bụng, sôi bụng.
  • Thường xảy ra đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn.
  • Nóng rát hậu môn do đi ngoài nhiều lần.
  • Chán ăn, mệt mỏi.
  • Gầy, sút cân nếu tình trạng này kéo dài.
  • Có dấu hiệu mất nước từ nhẹ đến nặng nếu đau bụng tiêu chảy dài ngày. Ví dụ như: Khát, da nhăn, mắt trũng, tiểu tiện ít, hạ huyết áp, mạch nhanh…
  • Có thể kèm tình trạng sốt, buồn nôn, nôn.

Đau bụng tiêu chảy xử trí như thế nào?

Đau bụng tiêu chảy không quá nghiêm trọng và không kèm theo dấu hiệu bất thường thì có thể xử trí tại nhà. Tuy nhiên, không nên quá chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý.

Dùng thuốc điều trị

Các thuốc điều trị tiêu chảy thường chứa các hoạt chất: Berberin, Racecadotril, Diosmectit, Loperamid,… Ngoài ra, có thể dùng thêm một số loại thuốc khác tùy vào nguyên nhân và triệu chứng kèm theo. Ví dụ như dùng kháng sinh nếu nguyên nhân là do nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, bạn không được tự ý dùng thuốc mà chưa tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế.

Không được tự ý dùng thuốc mà chưa tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế
Không được tự ý dùng thuốc mà chưa tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế

Sử dụng các biện pháp dân gian

Các biện pháp thường được áp dụng khi đau bụng tiêu chảy là dùng nước gạo rang, gừng, lá ổi. 

  • Nước gạo rang: Nước gạo rang chứa nhiều vitamin, khoáng chất giúp bù nước, điện giải cho cơ thể khi bị đi ngoài nhiều lần. Đồng thời, còn giúp giảm thời gian bị tiêu chảy. Bạn dùng 100g gạo rang cùng một ít muối trắng. Đến khi gạo có màu vàng đậm và thơm thì thêm 300ml nước vào đun sôi 5 phút thì tắt bếp. Sau đó chắt nước ra cốc để uống. Nên uống khi nước còn ấm. Người lớn uống từng ngụm nhỏ mỗi lần, còn trẻ em uống 2 – 3 thìa/lần. Mỗi lần uống cách nhau khoảng 10 -15 phút.
  • Dùng gừng: Nếu đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn do ngộ độc thức ăn bạn có thể nướng gừng, rồi cạo vỏ, thái lát và hãm nước uống sẽ giúp cải thiện.
  • Dùng lá ổi: Tanin có trong lá ổi giúp kháng khuẩn, săn se niêm mạc và giảm tiết dịch ruột. Do đó, ăn lá ổi non có thể cải thiện được tình trạng đau bụng, tiêu chảy.

Bổ sung nước và điện giải cho cơ thể

Khi bị tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần, cơ thể sẽ bị mất nước và điện giải. Vì thế cần phải bổ sung. 

  • Sử dụng oresol để bù nước và điện giải. Hãy chú ý thực hiện theo đúng hướng dẫn sử dụng, hoặc lời khuyên của chuyên gia y tế.
  • Uống nước lọc, nước dừa hoặc một số loại trà ấm như trà hoa cúc, trà vỏ cam, trà gừng,…
Trà hoa cúc giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy và giúp cơ thể bù nước
Trà hoa cúc giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy và giúp cơ thể bù nước 

Chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý

Khi bị đau bụng đi ngoài, bạn nên lưu ý đến ăn chế độ ăn uống. Cụ thể như sau:

  • Bạn nên ăn các thực phẩm dễ tiêu. Thực phẩm nên dùng là gạo, bột gạo, khoai tây, cà rốt. Với nhóm đạm hãy chọn thịt gà, thịt lợn nạc và dùng dầu thực vật. Trái cây nên ăn là chuối chín, các quả mềm,… Ngoài ra cũng nên ăn sữa chua để bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột.
  • Bạn cần tránh các thực phẩm cay nóng, khó tiêu, nhiều dầu mỡ. Tránh thịt bò, các loại hải sản như cá, tôm, ngao,… Tránh ăn đồ tái, sống như rau sống, các món nộm,… Tránh các thực phẩm dễ gây đầy hơi như hành muối, dưa muối, củ cải, cà muối,… Tránh các loại rau chứa nhiều chất xơ như măng, rau cần, giá đỗ,… để hạn chế tình trạng khó tiêu, đau bụng.
  • Không uống rượu bia, đồ uống có gas, cà phê,…
  • Chế độ sinh hoạt: Nên chú ý rửa tay sạch sẽ. Dành thời gian nghỉ ngơi, tránh tập thể dục quá sức. Vì tiêu chảy đã gây mất nước, tập thể dục quá sức sẽ càng khiến cơ thể thiếu nước hơn. 

Biện pháp khác 

Ngoài các biện pháp kể trên, bạn có thể chườm ấm vùng bụng. Điều này giúp giảm triệu chứng đau bụng, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Và nó đặc biệt hiệu quả trong trường hợp đau bụng kinh.

Chườm ấm giúp giảm đau bụng
Chườm ấm giúp giảm đau bụng

Khi nào cần đến các cơ sở y tế để thăm khám

Trong một số trường hợp tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày hoặc ngày càng nặng hoặc kèm theo các triệu chứng sau thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.

  • Buồn nôn, nôn dữ dội, với tần suất nhiều lần.
  • Sốt trên 38 độ C.
  • Đi ngoài lẫn máu.
  • Khát, khô miệng quá mức, nước tiểu sẫm màu.
  • Ý thức kém hoặc mất ý thức.
  • Bị vàng da, vàng mắt.
  • Co giật.
  • Bộ phận sinh dục sưng tấy.

Các biện pháp phòng ngừa đau bụng tiêu chảy

Để phòng ngừa đau bụng tiêu chảy, trước tiên cần hiểu rõ yếu tố nguy cơ gây bệnh. Từ đó, việc phòng ngừa sẽ chủ động và dễ dàng hơn. 

Các yếu tố nguy cơ gây đau bụng tiêu chảy

Đau bụng, tiêu chảy dễ lây lan hơn nếu có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Chăm sóc, sinh hoạt chung với người đang bị tiêu chảy mà không có biện pháp phòng bệnh.
  • Sử dụng nhà tiêu bẩn, phân đổ thẳng ra cống, mương, ao, hồ, sông, suối,…
  • Ô nhiễm nguồn nước quanh khu vực sống.
  • Thường xuyên ăn uống đồ tái, sống, chưa nấu chín kỹ.
  • Dùng phân tươi để bón cho cây trồng.
  • Vùng bị lũ lụt hoặc sau lũ lụt.

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị đau bụng, tiêu chảy. Vì trẻ đi học ở trường, có thói quen ham chơi, rửa tay không kĩ, ăn uống chưa được gọn gàng.

Trẻ em thường có thói quen rửa tay không kĩ nên dễ bị đau bụng, tiêu chảy
Trẻ em thường có thói quen rửa tay không kĩ nên dễ bị đau bụng, tiêu chảy

Các biện pháp phòng ngừa đau bụng tiêu chảy

Để phòng ngừa đau bụng, đi ngoài nhiều lần, bạn hãy lưu ý những điều sau:

  • Cần có biện pháp phòng ngừa khi chăm sóc, sinh hoạt chung với người đang bị đau bụng, tiêu chảy. Ví dụ như dùng găng tay để xử lý chất thải, rửa sạch tay sau khi dọn dẹp xong,…
  • Sử dụng hố xí sạch sẽ và xử lý phân an toàn.
  • Sử dụng nước sạch, bảo vệ nguồn nước. Nước phải được chứa trong chum, vại… sạch sẽ, có nắp đậy.
  • Vệ sinh nhà ở, môi trường sống và làm việc thường xuyên.
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi. Bảo quản thức ăn cẩn thận, sử dụng lồng bàn để tránh ruồi muỗi.
  • Rửa tay đúng cách với xà phòng và thường quy. Bao gồm rửa tay trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, sau khi dọn dẹp và sau khi đi vệ sinh.

Ngoài ra, cần chú ý tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm chủng, nhất là đối với trẻ em.

Ăn chín, uống sôi để phòng ngừa đau bụng đi ngoài nhiều lần
Ăn chín, uống sôi để phòng ngừa đau bụng đi ngoài nhiều lần

Đau bụng tiêu chảy làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thậm chí, đây có thể là dấu hiệu phản ánh một số bệnh lý. Vì thế, bạn nên có biện pháp phòng ngừa, xử lý đúng cách và đến cơ sở y tế kịp thời khi cần thiết. Qua bài viết này, nhãn hàng An vị tràng TW3 hy vọng sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài miễn cước: 1800.1286 để được tư vấn.

One thought on “Đau bụng tiêu chảy: Nguyên nhân, triệu chứng, cách xử trí và phòng ngừa

  1. Pingback: Bị tiêu chảy nên ăn gì cho nhanh khỏi và nhanh khỏe?

Trả lời

Gọi điện

Gọi điện

Chat Facebook

Messenger

Điểm bán

Điểm bán

18001286
Chat Facebook
Điểm bán
Đặt hàng ngay